-->

Thư viện hình ảnh

Nguyên tắc dùng đũa của người Nhật



Không bao giờ xếp chéo hai chiếc đũa lên nhau hay đấu đầu chúng vì người Nhật tin rằng đây là điềm báo vận rủi và liên tưởng đến các hung khí trong tang lễ.

Người Nhật rất quan tâm tới việc dùng đũa và họ có cả những luật lệ dành cho việc tưởng như rất đơn giản này.

Cầm đũa một cách chính xác

Cầm đũa để gắp thức ăn là hành động đơn giản nhưng làm sao cho đúng "chuẩn" lại không dễ dàng. Nhiều du khách thừa nhận phải mất thời gian và thực sự kiên nhẫn mới học được cách cầm đũa theo chuẩn người Nhật.

Đây là các cầm đũa đúng chuẩn của người Nhật. Ảnh: Japan.


Không gắp thức ăn lên thẳng miệng

Nhiều người có thói quen dùng đũa gắp thức ăn từ bát, đĩa chung trên bàn ăn sau đó đưa thẳng vào miệng. Nhưng với người Nhật, họ sẽ gắp thức ăn vào bát trước, tiếp theo mới đưa lên miệng và nhai.

Sử dụng gác đũa

Sau khi ăn xong, người Nhật sẽ để đũa lên chiếc gác thay vì đặt xuống bàn. Ngoài ra, bạn cũng không nên để chéo đũa, điều này liên tưởng đến tư thế nằm của người chết.

Không dùng đũa để bới tung đĩa ăn

Nhất là khi bạn đang ăn uống trên bàn tiệc, điều này sẽ bị đánh giá là tham ăn và bất lịch sự. Ngoài ra, bạn cũng không nên nhúng đũa vào bát súp vì nó gợi cảm giác đang cố gắng làm sạch chúng cũng như thiếu tin tưởng độ cẩn thận của những người rửa bát.

Người Nhật sử dụng khá nhiều đũa trong các bữa ăn hàng ngày. Ảnh: Goldstein.


Không liếm đầu đũa

Liếm, mút đầu đũa khi đang ăn là một trong những quy tắc ăn uống mà người Nhật luôn nhắc mình không được phép phạm phải.

Không đấu đầu đũa

Bạn không nên đấu đũa khi gắp hay nhận thức ăn từ người khác. Lý do là nó liên tưởng đến hành động đưa xương của người hỏa táng vào các bình tro cốt.

Khi không sử dụng nữa, bạn nên đặt đũa ngay ngắn lên chiếc gác. Ảnh: Everything.


Không dùng đũa như một món đồ chơi

Đũa là dùng để gắp thức ăn, không nên sử dụng vào mục đích khác hay nghịch ngợm chúng. Bạn cũng không nên chà sát các chiếc đũa vào nhau sau khi đã tách ra. Người Nhật sẽ nghĩ bạn coi đũa là thứ rẻ tiền.

Không đưa đũa liên tục qua các món ăn

Bạn không nên cầm đũa đu đưa qua lại trên các đĩa thức ăn với suy nghĩ chọn món trước khi gắp. Điều này bị coi là một hành động tham lam

Vì sao linh vật Merlion của Singapore có đầu sư tử, mình cá?


Từ những gợi ý ban đầu thời kỳ lập quốc như chim chóc, nàng tiên cá, sư tử, hoa cỏ... một người Anh đã nảy ra ý tưởng tạo hình linh vật Merlion nổi tiếng. 


Nếu có điều gì gợi nhớ đến Singapore, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh linh vật biểu trưng Merlion. Một bức tượng đầu sư tử mình cá phun nước và đang cưỡi sóng xanh. Chụp một tấm hình với biểu tượng Merlion, mua món đồ lưu niệm có hình ảnh của linh vật là cách du khách đánh dấu rằng mình đã đặt chân đến Singapore. Nổi tiếng rộng khắp thế giới, nhưng ít ai hiểu vì sao người Singapore lại chọn hình ảnh này đại diện cho đất nước mình.

Merlion đầu sư tử mình cá là biểu tượng của đất nước Singapore. Ảnh: wikipedia


Ông Yue Kheong, Phó tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Singapore đã có những chia sẻ thú vị về biểu tượng linh vật Merlion. Cách đây 50 năm, vào giai đoạn lập quốc, người Singapore muốn tìm kiếm một biểu tượng đại diện cho hình ảnh đất nước vốn còn non trẻ. Nhiều ý tưởng được đưa ra thảo luận, nào là hoa cỏ, chim chóc, cá cảnh... Lúc bấy giờ, một người đàn ông quốc tịch Anh tên là Alec Fraser-Brunner, thành viên của Souvenir Committee, đồng thời quản lý thủy cung Van Kleef, Singapore đã đưa ra ý tưởng kết hợp đầu sư tử và mình cá thành biểu tượng Merlion. 

Lý do là Singapore ngày xưa vốn là một làng chài có rất nhiều cá, nên Fraser-Brunner vẫn muốn biểu tượng có liên quan đến cá. Hơn nữa, tên gọi của Singapore trước đây là Singapura, theo tiếng Malaysia nghĩa là thành phố sư tử, do hoàng tử Sang Nila Utama khi phát hiện ra Singapore tin rằng mình đã nhìn thấy loài vật này sinh sống tại đây. 

"Nhiều người định chọn biểu tượng nàng tiên cá, nhưng hình ảnh này quá nữ tính, dịu dàng. Còn chúng tôi lại muốn một biểu tượng mạnh mẽ, năng động cho đất nước mình. Trải qua cuộc thi, cuối cùng chính phủ quyết định chọn sự kết hợp đầu sư tử mình cá để tạo hình linh vật Merlion", ông Yue Kheong cho biết. 

Biểu tượng nguyên mẫu Merlion có chiều cao 8,6 m và nặng 70 tấn, được đặt ở công viên có diện tích 2.500 m2. Ngày nay, sở hữu trí tuệ linh vật Merlion thuộc về chính phủ Singapore, do Tổng cục du lịch quản lý. Bất cứ ai muốn sử dụng hình ảnh này đều phải được cho phép như đồ lưu niệm, sôcôla, móc khóa... 

Đến Singapore khám phá văn hóa Peranakan



Trang phục nyonya kebaya, nghệ thuật kết cườm tinh tế hay những món ăn cay nồng, đậm đà... hòa quyện vào nhau tạo thành nét văn hóa đáng tự hào của người Peranakan.

Trong tiếng Mã Lai, Peranakan có nghĩa là người lai, được sinh ra từ cuộc hôn nhân giữa các thương nhân và thủy thủ đến từ miền Nam Trung Quốc, với người phụ nữ bản địa (người Mã Lai) vào khoảng thế kỷ 15, 16. Con cái của họ, những đứa trẻ được sinh ra và nuôi dưỡng bởi 2 nền văn hóa: nền văn minh Trung Hoa và nền văn hóa Mã Lai bản địa, được gọi là người Peranakan Trung Hoa.

Nhóm cộng đồng này thường được gọi là những người Baba hoặc Nonya – Tên gọi xuất phát từ tiếng Peranakan. Baba có nghĩa là người nam và Nonya là người nữ, ngôn ngữ chính của nhóm người này là tiếng lai Hoa-Mã Lai.

Một góc phố của người Peranakan ở khu vực Katong. Ảnh: Huấn Phan.


Trong xã hội của người Peranakan, các Baba là trụ cột chính về kinh tế trong gia đình. Riêng với Nyonya, tuy không phải lo về kinh tế nhưng họ chính là những người gìn giữ hạnh phúc gia đình. Đối với các Nyonya thì nấu nướng là một thành tựu đáng tự hào. Vì vậy mà khi nghiên cứu về ẩm thực Peranakan, người ta đã ưu ái gọi nó bằng tên gọi là 'ẩm thực Nyonya'.

Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc, Mã Lai, Indonesia và Ấn Độ nên món ăn ở đây thường có vị cay nồng, chua và đậm mùi... Có thể kể ra nhiều món ăn ngon, đặc trưng như cà ri gà, cà ri laska, Nyonya chap chye (rau củ hầm), Babi Pongteh (thịt heo hầm với nấm và măng tươi)... Nhưng đáng tự hào nhất phải kể đến đó là món mì Laska, được pha trộn giữa sợi bánh, nước sốt cà ri cốt dừa, tôm, sò huyết, nghêu, chả cá, giá cùng với lá laksa (rau răm của người Việt).

Trong đời sống của người Peranakan nói riêng và Singapore nói chung, laksa là món ăn phổ biến trong những buổi họp mặt gia đình, hay các dịp lễ, tết. Đến Singapore, mì laksa là một trong những món ăn mà du khách sẽ được giới thiệu trước tiên khi muốn tìm hiểu về ẩm thực cùa đảo quốc này.

Mỳ laska là một niềm tự hào trong ẩm thực của người phụ nữ Nyonya. Ảnh: Huấn Phan.


Không chỉ giỏi về ẩm thực, phụ nữ Nyonya còn rất giỏi trong việc thêu thùa và may vá. Các bộ trang phục truyền thống (nyonya kebaya) thường được các cô gái Nyonya may thủ công bằng tay với đường kim mũi chỉ hết sức tinh tế và tỉ mỉ bởi đó là trang phục của những người phụ nữ quý tộc, được dùng trong những dịp trang trọng. Ngày nay nyonya kebaya thường được các cô gái trẻ kết hợp với quần jean mặc trong công sở hay dạo phố.

Quận Joo Chiat và Katong ở Singapore là khu vực mà du khách không nên bỏ qua khi muốn mua các sản phẩm thêu, đan hạt cườm như giày, dép, túi xách... đây cũng là một niềm tự hào của các cô gái Nyonya. Theo truyền thống Peranakan thì những cô gái sẽ được học thêu từ năm 12 tuổi, bắt đầu từ những mũi thêu chữ thập đến khi thật thành thạo và sau đó là công đoạn kết những hạt cườm thủy tinh. Nó được lấy từ những nước Đông Âu như Czech, Anh hay Hà Lan...

Những đôi dép kết hạt cườm tinh tế là món quà lưu niệm mà du khách đều muốn mua cho mình khi đến Singapore. Ảnh: Huấn Phan.


Khi đính cườm đòi hỏi sự khéo léo của từ những đôi tay tài hoa. Khó khăn nhất của công đoạn này chính là ghép đúng màu sắc cho những mẫu thiết kế. Những Nyonya phải chắc rằng chỉ với những màu sắc có hạn của những hạt cườm nhưng vẫn làm bật lên cái hồn của mẫu thiết kế.

Văn hóa Peranakan với những nét truyền thống mang đậm dấu ấn ẩm thực, nghệ thuật may thêu đã trở thành một phần quan trọng của truyền thống văn hóa Singapore, và điểm nhấn đầy thú vị trong hành trính khám phá Đảo quốc Sư tử của du khách
.